Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn
PTĐT-Hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại luôn là một trong những vấn nạn gây nhức nhối trong toàn xã hội. Việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại không chỉ làm suy giảm niềm tin, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh và làm thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước... Do vậy, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh luôn là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Lực lượng QLTT kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các đại lý phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì.

Mặc dù không giáp ranh biên giới với nước ngoài và không phải là trọng điểm về buôn lậu, nhưng tỉnh ta lại có nhiều tuyến giao thông kết nối với các tỉnh từ Tây Bắc về Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ nên lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua địa bàn khá lớn, trong đó chủ yếu là hàng hóa trong nước xuất đi Trung Quốc và hàng nhập về từ Trung Quốc. Do khối lượng luân chuyển hàng hóa lớn nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng hóa nhập lậu được lưu thông trong thị trường nội địa. Bên cạnh hàng hóa nhập lậu, tình trạng, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn cũng đã và đang có những diễn biến khá phức tạp. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (BCĐ 389), trong nửa đầu năm 2018, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.145 vụ vi phạm, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu là 152 vụ; gian lận thương mại 982 vụ; hàng giả 11 vụ. Cơ quan Công an đã khởi tố, xử lý hình sự 10 vụ với 11 bị can và đang giải quyết 10 vụ với 10 đối tượng liên quan. Tổng số tiền xử phạt, trị giá hàng tịch thu và tiền truy thu thuế lên tới trên 20,2 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BCĐ 389 của tỉnh, các ngành thành viên, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phát hiện và  xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật, do đó tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua giữ được sự ổn định, các loại hàng hóa, dịch vụ đều đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được thực hiện quyết liệt song hiệu quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Tình trạng buôn lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi với các loại hình gian lận thương mại được phát hiện phổ biến như: Kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa, bán hàng đa cấp, buôn bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Hàng ngày hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện và len lỏi vào các ngõ ngách của thị trường gây tâm lý bức xúc trong dư luận.

Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho thấy từ 2015 đến 2017 số vụ vi phạm đến hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại bị xử phạt đều tăng qua các năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện xử lý trên 300 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm bị thu giữ trên 1,5 tỷ đồng, ước tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các vi phạm liên quan thủ tục hành chính trong kinh doanh, đã xử lý gần 400 vụ, xử phạt gần 400 triệu đồng. Với mức độ gia tăng trên, chứng tỏ thực tế tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề khó khăn đặt ra không chỉ cho lực lượng quản lý thị trường (QLTT) mà của tất cả các ngành thành viên BCĐ 389 của tỉnh cũng như các cấp chính quyền trong tỉnh.

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định chủ yếu do: Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, đôi khi còn chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, dễ gây nhầm lẫn cho lực lượng thực thi công vụ; trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm. Trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận thương nhân và người tiêu dùng còn hạn chế; hàng giả, hàng kém chất lượng rất khó phân biệt. Công tác kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi liên hệ và phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện trong kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, chi phí giám định cao, thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý, vi phạm. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ phục vụ cho công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và hàng vi phạm SHTT còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kinh phí hoạt động còn thiếu, đặc biệt là kinh phí giám định, kiểm định chất lượng hàng hóa, kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác phối, kết hợp với các cơ quan chức năng để thực thi nhiệm vụ có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Các đối tượng vi phạm luôn có những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Công tác theo dõi và nắm bắt phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn hạn chế. Cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ tuy đã được thường xuyên đào tạo và bồi ỡng nâng cao nghiệp vụ nhưng số lượng thiếu, năng lực trình độ chuyên môn chưa đồng đều.

Vì vậy, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các ngành thành viên BCĐ 389 của tỉnh cũng như của lực lượng QLTT. Trao đổi về giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Trụ - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trước hết Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; hoàn thiện, bổ sung các chế tài xử phạt cho phù hợp với thực tế hiện nay; xây dựng các quy định về lưu thông hàng hóa và xử lý vi phạm hành chính theo hướng thống nhất, tránh sự chồng chéo; xây dựng cơ chế quản lý hoạt động bán hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử; xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan QLTT theo hướng thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chính quy, chuyên nghiệp. 

Đối với cấp, ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thành, thị cần chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với một số lĩnh vực hay địa bàn trọng điểm; tăng cường trang bị cơ sở vật chất, đặc biệt là phương tiện cho lực lượng QLTT. Đối với lực lượng QLTT, đơn vị sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tăng cường trao đổi thông tin về buôn lậu, hàng giả giữa các đơn vị trong lực lượng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kinh doanh thương mại, tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tới các hộ kinh doanh; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để tránh mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. 


Theo baophutho.vn
Tin tức
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang