Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
CẦN BẢO TỒN VÀ LƯU GIỮ NGHỀ ĐAN LÁT THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG TẠI MINH KHAI ​
Xã Minh Khai huyện Thạch An có nghề đan lát thủ công truyền thống từ rất lâu, các sản phẩm đa dạng và phong phú chủ yếu là những vật dụng quen thuộc được sử dụng hàng ngày như: Rổ, rá, dậu đựng thóc, ngô,...Mỗi sản phẩm đều được bà con tỉ mỉ đan từng chi tiết nhỏ để tạo nét riêng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nghề thủ công này đang ngày càng bị mai một.

 

Chị Đinh Thị Kim, 47 tuổi thôn Nà Đoỏng xã Minh Khai là một trong những người đan lát giỏi của xã, chị đã có hơn 30 năm đan lát. Tiếp chuyện chúng tôi, đôi tay chị thoăn thoắt trên những thanh nứa được vót mỏng, tỉ mẩn cầu kì và cũng thực sự kiên nhẫn để tạo ra một mảnh chiếu cót đẹp.

Chị chia sẻ: “ Hồi còn bé, tôi thấy các bà và mẹ đan những chiếc rổ, rá rất đẹp và bắt mắt, nếu biết đan những đồ dùng trong nhà thì rất tiện. Mỗi lần đi chăn trâu tôi mới bắt đầu lấy nứa, lấy tre về vót và học đan. Dần dần thấy thích thú, bắt đầu học đan những vật dụng đơn giản như rổ, rá. Sau đó học cách đan những sản phẩm mang tính tỉ mỉ và cần độ khéo léo hơn như chiếu cót. Tôi cũng truyền dạy lại cho con gái cách đan những vật dụng đơn giản trong gia đình để nghề truyền thống của ông cha không bị mai một”.

Xã Minh Khai có 534 hộ với trên 2300 nhân khẩu. Đây là xã khó khăn của huyện Thạch An, nằm cách trung tâm huyện trên 70km. Bà con chủ yếu là làm nông nghiệp. Nghề đan lát thủ công này đã có từ rất lâu, tuy nhiên qua thời gian, nghề này đang dần bị mai một. Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng trên 30 thợ đan lành nghề. Để làm ra một sản phẩm dù đơn giản hay phức tạp phải mất nhiều công đoạn. Người dân vào rừng chọn cây giang, nứa có gióng dài khoảng 7- 8 tháng, đem về cạo vỏ, chẻ lạt. Sau khi chẻ, chuốt nan sao cho có độ mềm, nhẵn, đều để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở thì sản phẩm mới bền, đẹp.  Để đan 1 cái rổ, rá mất khoảng 1 ngày, làm nón thì khoảng 2 ngày. Trong các sản phẩm đan lát thủ công tại xã Minh Khai nổi tiếng có Chiếu cót và đây cũng là sản phẩm mất nhiều công sức thời gian nhất vì yêu cầu tỉ mỉ từng chi tiết trong đan hoa văn để tạo nên nét độc đáo của sản phẩm. Người thợ phải căn và tính toán từng chi tiết để các hoa văn trải trên chiếu được đều, đẹp, không lệch. Hiện nay hoa văn trên chiếu cót có khoảng 5 - 6 loại tùy theo khách hàng yêu cầu. Mỗi tấm chiếu cót có giá bán trung bình 1,5 - 2 triệu đồng loại 1m6 x 2m. Mấy năm gần đây, chiếu cót ở huyện Thạch An đã được nhiều người biết đến bởi độ bền đẹp và hoa văn độc đáo, tinh tế. Những tấm chiếu cót trải giường càng sử dụng lâu càng sáng bóng đẹp và có thể dùng được hơn chục năm mà chưa hỏng. Nghề đan lát đòi hỏi sự tỉ mẩn, óc quan sát và cả sự khéo léo. Dưới bàn tay tài hoa của những người phụ nữ, mỗi một sản phẩm đã được thổi hồn thành bao vật dụng xinh xắn gần gũi với cuộc sống thường ngày, mang nét độc đáo và có dấu ấn riêng mà máy móc không thể tạo được. Mỗi tháng, thu nhập từ đan lát cũng đem lại một khoản để bà con trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Quyền Phong, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: “ Để giữ được nghề truyền thống của ông cha để lại, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nhân dân cố gắng phát triển và gìn giữ. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn của xã là đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp tạo điều kiện giúp đỡ tìm đầu ra ổn định để bà con yên tâm và phát triển nghề thủ công truyền thống này.”

Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều sản phẩm chất liệu phong phú mẫu mã đa dạng nhưng những chiếc rổ, rá, nón lá, chiếu cót thủ công truyền thống như ở Minh Khai vẫn có sức hút riêng do chất lượng tốt, giá cả phải chăng và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện giờ những người biết đan chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, thế hệ trẻ giờ đây ít người có đam mê với nghề truyền thống này. Do đó việc giữ gìn và phát huy được nghề đan lát truyền thống bên cạnh sự nỗ lực của người dân, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Thời gian tới, phòng chuyên môn huyện Thạch An sẽ lập hồ sơ để phong tặng nghệ nhân dân gian đối với 04 người dân của làng nghề đan lát xã Minh Khai. Đây có thể coi là một tín hiệu vui đối với những người giữ lửa của làng nghề để họ có thêm động lực truyền dạy cho con cháu cùng nhau chung tay gìn giữ, bảo tồn nghề đan lát truyền thống của quê hương./.

 

 

                                                             Thực hiện: Thùy Dương - Tuấn Anh

Tin tức
Đăng nhập
Chung nhan Tin Nhiem Mang